Gửi tiết kiệm tại ngân hàng “bị dụ” mua bảo hiểm, cần phải làm gì?
Khách hàng bị “dụ dỗ” như thế nào?
Gửi tiết kiệm nhưng thực chất là hợp đồng bảo hiểm.
Gần đây, khá nhiều khách hàng đã phản ánh về tình trạng các nhân viên ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) không trung thực khi tư vấn. Các nhân viên khi được biết khách hàng đến ngân hàng để gửi tiết kiệm thì sẽ giới thiệu gói “Tâm an đầu tư” với kỳ hạn linh hoạt 6 năm cùng lãi suất bình quân lên đến 8,5%-9%. Khách hàng khi được tư vấn về sản phẩm này ban đầu hầu như đều có sự nghi ngờ sản phẩm nhân viên đang tư vấn là bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên khi hỏi thì các nhân viên sẽ trấn an khách hàng rằng “sản phẩm này không phải bảo hiểm nhân thọ mà là tiết kiệm kết hợp đầu tư”. Bên cạnh đó, các nhân viên tư vấn cũng sẽ đưa ra rất nhiều hứa hẹn về tỷ suất sinh lời đánh thẳng vào tâm lý muốn có thêm lãi từ khách hàng. Vì vậy, dẫn đến việc khách hàng ban đầu muốn gửi tiết kiệm tại ngân hàng nhưng cuối cùng mới vỡ lẽ ra lại là mua bảo hiểm nhân thọ Manulife.
Một vài lưu ý để tránh việc bị lừa mua bảo hiểm
Để hạn chế cũng như tránh được việc bản thân bị lừa mua bảo hiểm nhân thọ thì khách hàng luôn phải lưu ý một số vấn đề sau đây:
Nên lưu ý để không bị “dụ dỗ” mua bảo hiểm nhân thọ khi đến ngân hàng gửi tiết kiệm.
-
Nếu khách hàng đến ngân hàng để gửi tiết kiệm thì cần phải nhận được sổ tiết kiệm. Hơn nữa, không phải cứ lãi suất càng cao là càng tốt vì lãi suất cao cũng sẽ đi đôi với rủi ro của khách hàng càng cao. Thông thường hầu hết những sản phẩm có lãi suất cao hơn lãi tiết kiệm đều không an toàn bằng sổ tiết kiệm.
-
Không phải ngân hàng nào cũng tốt, không phải cứ gửi tiền vào ngân hàng là an toàn và không phải dịch vụ nào của ngân hàng cung cấp đều được đảm bảo tính an toàn tuyệt đối cho khách hàng. Chính vì vậy, khách hàng không nên phó thác hoàn toàn cho nhân viên tư vấn mà cũng nên có sự tìm hiểu xem thực tế mình đang thực hiện giao dịch gửi tiền tiết kiệm hay mua bảo hiểm nhân thọ.
Cần làm gì khi phát hiện gửi tiền tiết kiệm nhưng lại phát hiện tham gia bảo hiểm nhân thọ?
Nhiều khách hàng đến ngân hàng có mục đích là ký hợp đồng gửi tiền tiết kiệm nhưng sau lời tư vấn của nhân viên thì lại bị chuyển thành hợp đồng tham gia bảo hiểm nhân thọ mà không hề hay biết. Trên thực tế, hai loại hợp đồng này được định nghĩa một cách khác nhau theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:
-
Tiền gửi tiết kiệm là một trong số những hình thức nhận tiền gửi của tổ chức, cá nhân; người gửi sẽ nhận được một khoản lợi nhuận nhất định từ việc hưởng lãi suất bằng hình thức gửi tiết kiệm (căn cứ khoản 13 Điều 4 Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017). Hợp đồng gửi tiền tiết kiệm là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa bên gửi tiền với bên nhận tiền gửi theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận. Nội dung trong hợp đồng này cũng phải được sự đồng ý của cả hai bên để đảm bảo quyền lợi cũng như nghĩa vụ của các bên
-
Bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết (căn cứ khoản 13 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022). Như vậy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phải là hợp đồng được bên mua bảo hiểm và bên cung cấp bảo hiểm thỏa thuận bằng văn bản cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết. Nội dung hợp đồng phải được sự đồng ý của cả hai bên để để đảm bảo quyền lợi cũng như nghĩa vụ của các bên.
Qua định nghĩa trên có thể thấy đây là hai hợp đồng hoàn toàn khác nhau từ nội dung đến hình thức. Do đó, khi nhân viên tư vấn cho khách hàng tham gia giao dịch lại đánh đồng hai khái niệm này là đang có dấu hiệu lừa dối khách hàng. Với dấu hiệu lừa dối này, căn cứ theo điểm h, khoản 1 Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 thì hợp đồng bảo hiểm được giao kết do lừa dối sẽ bị tuyên vô hiệu. Ngoài ra, với Công văn số 506/NHNN-TTGSNH ngày 15/2/2023 về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm có chỉ đạo việc rà soát, chấn chỉnh các hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức. Mặt khác, hành vi tư vấn để khách hàng ký hợp đồng gửi tiền tiết kiệm nhưng thực tế lại là tham gia bảo hiểm nhân thân có dấu hiệu hành vi của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.
Như vậy, để quyền và lợi ích hợp của bản thân luôn được đảm bảo thì khách hàng nên lựa chọn một trong hai cách sau nếu phát hiện hợp đồng gửi tiền tiết kiệm của mình thực chất lại là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ:
-
Khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân tuyên hủy hợp đồng bảo do bị lừa dối.
-
Tố cáo ra cơ quan cảnh sát điều tra vì bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trên đây là những thông tin chúng tôi cung cấp về những điều mà khách hàng cần làm khi phát hiện hợp đồng gửi tiền tiết kiệm của mình bản chất là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích đối với Quý khách hàng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn