NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG ĐẦU VÀO CÔNG CHỨC BẮT BUỘC TỪ NGÀY 10/04/2023.

Thứ tư - 05/04/2023 22:00
Hiện nay, việc tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức vẫn đang được thực hiện. Tuy nhiên mới đây Chính phủ đã hướng dẫn chi tiết về điều kiện, thủ tục, nội dung kiểm định tại Nghị định 06/2023/NĐ-CP Quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức được ban hành ngày 21/02/2023. Thông qua Nghị định 06/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/4/2023 này, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức sẽ trở nên bắt buộc. Cùng NBLaw tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề này qua bài viết ngay sau đây nhé
Bắt buộc kiểm định chất lượng đầu vào công chức kể từ ngày 10/04/2023
Bắt buộc kiểm định chất lượng đầu vào công chức kể từ ngày 10/04/2023

Điều kiện đăng ký kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Để đủ điều kiện đăng ký tham gia kiểm định chất lượng đầu vào công chức thì các thí sinh cần phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu được quy định tại Điều 3 Nghị định 06/2023/NĐ-CP như sau:
  • Đáp ứng điều kiện đăng ký dự kiểm định chất lượng đầu vào công chức được quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, Công chức 2008 sửa đổi bổ sung năm 2019 gồm: Có quốc tịch là Việt Nam, độ tuổi đủ 18 trở lên, lý lịch rõ ràng, đủ sức khỏe,...
  • Không thuộc các trường hợp không được dự kiểm định chất lượng đầu vào công chức được quy định tại khoản 2 Điều 36 Điều 36 Luật Cán bộ, Công chức 2008 sửa đổi bổ sung năm 2019 gồm: không cư trú ở Việt Nam; mất/bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích,...
Ngoài ra, theo điểm d khoản 2 Điều 2 Nghị định 06/2023/NĐ-CP thì thí sinh được phép đăng ký không giới hạn số lần để dự kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Cơ quan nào có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Bộ Nội vụ sẽ là cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Trước ngày 31/01 hằng năm, Bộ Nội vụ có trách nhiệm công bố kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Thông tin này được quy định cụ thể tại Điều 4 Nghị định 06/2023/NĐ-CP về Tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Trình tự tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức được quy định thế nào?

Căn cứ theo Điều 9 Nghị định 06/2023/NĐ-CP, việc tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức sẽ được thực hiện theo trình tự sau đây:
1. Thông báo danh sách và triệu tập thí sinh:
Hội đồng kiểm định tiến hành thông báo danh sách và triệu tập thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham dự kiểm định công chức trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày ra thông báo triệu tập thí sinh, Hội đồng kiểm định sẽ tiến hành tổ chức kiểm định.
2. Tiến hành kiểm định:
Các thí sinh sẽ được thực hiện kiểm định trên máy tính. Ngay sau khi kết thúc thời gian làm bài và thí sinh không tiến hành thực hiện phúc khảo thì kết quả kiểm định sẽ được thông báo ngay cho thí sinh.
3. Phê duyệt kết quả kiểm định và công bố:
Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ kiểm định, Hội đồng kiểm định sẽ tiến hành báo cáo người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức để phê duyệt kết quả kiểm định. Kết quả kiểm định sau khi đã được phê duyệt sẽ được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 1 và khoản 3 Điều 10 Nghị định 06/2023/NĐ-CP, kết quả kiểm định này sẽ có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt. Trong thời gian này, người đạt kết quả kiểm định được đăng ký thi tuyển công chức vào cơ quan trên toàn quốc. Hơn nữa, kết quả này được phép dùng thay kết quả kiểm định chất lượng đầu vào với người thi tuyển vị trí việc làm yêu cầu trình độ đại học trở lên cho vị trí việc làm có yêu cầu trình độ thấp hơn.

Hình thức, nội dung và thời gian kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Theo quy định tại Nghị định 06/2023/NĐ-CP, kiểm định chất lượng đầu vào công chức được hướng dẫn về hình thức, nội dung và thời gian kiểm định như sau:
  • Định kỳ hai lần vào tháng 7 và tháng 11 hằng năm sẽ tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Tuy nhiên trước ngày 31/01 hằng năm thì Bộ Nội vụ sẽ công bố kế hoạch tổ chức trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức (Điều 4 Nghị định 06/2023/NĐ-CP).
  • Về hình thức kiểm định sẽ là thi trắc nghiệm trên máy vi tính (khoản 1 Điều 5 Nghị định 06/2023/NĐ-CP).
  • Các thí sinh sẽ được kiểm định các nội dung gồm: Năng lực tư duy, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn; Hiểu biết chung, cơ bản về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước; Quản lý hành chính nhà nước; Quyền, nghĩa vụ của công chức, đạo đức công vụ; Kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử  (khoản 2 Điều 5 Nghị định 06/2023/NĐ-CP).
  • Đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí làm việc có yêu cầu trình độ đại học trở lên thì sẽ kiểm tra 120 phút với 100 câu hỏi trắc nghiệm (điểm a, khoản 3 Điều 5 Nghị định 06/2023/NĐ-CP).
  • Đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí làm việc có yêu cầu trình độ trung cấp, cao đẳng thì sẽ kiểm tra 100 phút với 80 câu hỏi trắc nghiệm (điểm b, khoản 3 Điều 5 Nghị định 06/2023/NĐ-CP).
  • Để được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào thì người tham gia phải trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên (Điều 6 Nghị định 06/2023/NĐ-CP).

Phiếu đăng ký dự kiểm định chất lượng đầu vào

Phiếu đăng ký dự kiểm định chất lượng đầu vào công chức được ban hành kèm theo Nghị định 06/2023/NĐ-CP. Các thí sinh chỉ cần thực hiện điền thông tin theo mẫu này để nộp dự kiểm định.

Mẫu phiếu đăng ký dự kiểm định ban hành kèm theo Nghị định 06/2023/NĐ-CP.

Trên đây là tổng hợp những quy định chi tiết về quy trình kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Hi vọng những thông tin được NBLaw cung cấp sẽ giúp các bạn hiểu rõ về quy trình kiểm định chất lượng này. Đây sẽ là quy trình được áp dụng bắt buộc kể từ ngày 10/04/2023 khi Nghị định 06/2023/NĐ-CP chính thức có hiệu lực.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

NGUYỄN & BROTHERS LAW FIRM

Chúng tôi luôn nỗ lực để có thể trở thành công ty luật hàng đầu với các cam kết về chất lượng và cải tiến dịch vụ cho khách hàng. Cùng với đó, giá trị cốt lõi của chúng tôi là xây dựng một mối quan hệ lâu dài với khách hàng dựa trên sự cởi mở và trung thực, luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu.
zalo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây