Những việc cần làm ngay trước khi sổ hộ khẩu giấy hết giá trị sau ngày 31/12/2022

Thứ năm - 29/09/2022 23:15
Chỉ còn hơn 03 tháng nữa, chính xác là sau ngày 31/12/2022, theo Luật Cư trú 68/2020/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/7/2021, sổ hộ khẩu giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Nhiều người dân còn rất băn khoăn về việc từ ngày 01/01/2023 sổ hộ khẩu giấy bị "khai tử", họ cần làm gì để không gặp khó khăn khi thực hiện các giao dịch dân sự, giao dịch hành chính.
Những việc cần làm ngay trước khi sổ hộ khẩu giấy hết giá trị sau ngày 31/12/2022

Theo Luật Cư trú năm 2020, chỉ bỏ sổ hộ khẩu giấy, chứ hoàn toàn không bỏ khái niệm hộ khẩu. Theo đó, khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, những cuốn sổ giấy đã được cấp sẽ không còn giá trị, cơ quan Nhà nước sẽ quản lý thông tin cư trú người dân bằng phương thức điện tử hay còn gọi là sổ hộ khẩu điện tử.

Để không gặp phải khó khăn khi sổ hộ khẩu giấy hết giá trị, người dân cần làm ngay những điều này trước khi sổ hộ khẩu giấy hết giá trị vào cuối năm 2022.

Cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về dân cư và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu. Theo đó, khi sổ hộ khẩu bị thu hồi, các thông tin cư trú của công dân được cập nhật lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo Luật Căn cước công dân, Luật số: 59/2014/QH13, ngày 20/11/2014, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tại Điều 9 Luật Căn cước công dân quy định thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi ở hiện tại; nhóm máu...

Theo Bộ Công an, trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư đã đi vào vận hành chính thức từ ngày 01/7/2021. Bộ đã cập nhật vào hệ thống hơn 102 triệu thông tin dân cư và các địa phương đã rà soát, "làm sạch" dữ liệu trên hệ thống phần mềm và củng cố hồ sơ sổ sách, tàng thư hồ sơ hộ khẩu được hơn 98 triệu nhân khẩu (đạt 95,8%).

Trường hợp nếu công dân chưa được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc cập nhật nhưng chưa chính xác, cần nhanh chóng đi cập nhật lại để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục hành chính sau 31/12/2022. Những thông tin trên Cơ sở dữ liệu được sử dụng thay thế sổ hộ khẩu giấy khi sổ hộ khẩu giấy hết hiệu lực từ năm 2023.

Làm Căn cước công dân gắn chip

Những thông tin liên quan về cư trú của công dân đều được cập nhật tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Cư trú 2020.

Trong đó, Điều 12 Luật Căn cước công dân 2014 quy định số định danh cá nhân như sau: Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.

Do đó, Cảnh sát quản lý cư trú sẽ sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Vì thế, nếu công dân đang sử dụng chứng minh thư nhân dân 9 số, tức là chưa biết mã định danh cá nhân của mình, sẽ rất khó khăn trong việc xin thông tin về cư trú. Nếu công dân chưa có Căn cước công dân gắn chip, cần nhanh chóng đi làm ngay nhằm tạo thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính khi sổ hộ khẩu giấy chính thức bị xóa bỏ.

Sổ hộ khẩu bị khai tử, lấy gì để giao dịch?

Một số bạn đọc băn khoăn sau khi SHK bị thu hồi thì lấy gì để chứng minh thông tin về cư trú, nhất là khi thực hiện các giao dịch về nhà đất, ngân hàng… 

Theo Thông tư 55/2021 của Bộ Công an, sau khi SHK bị “khai tử”, người dân có thể yêu cầu cơ quan nhà nước cấp xác nhận thông tin về cư trú cho mình.

Công dân có thể lựa chọn xác nhận cư trú theo hai cách. Thứ nhất, trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước (không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân) để đề nghị cấp xác nhận thông tin về cư trú.

Thứ hai, gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.​​​​​

Cũng theo Bộ Công an, Bộ này đang khẩn trương đẩy tiến độ cấp CCCD gắn chip cho người dân. Dự kiến trước 30-9-2022, Bộ Công an sẽ cấp CCCD gắn chip cho toàn bộ người dân có đủ điều kiện, riêng tại năm thành phố trực thuộc Trung ương sẽ xong trong tháng 8-2022.

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng 10-8, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, khi có CCCD gắn chip, người dân không cần xác nhận của bất cứ ai, cơ sở nào vì đó là giấy tờ pháp lý duy nhất để đi làm các thủ tục.

“Từ nay đến thời điểm 31-12-2022, việc duy nhất là phải thay đổi quy định để các cơ quan không buộc người dân phải trình báo sổ hộ khẩu nữa”- Bộ trưởng Tô Lâm nói, đồng thời nhấn mạnh Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ, ngành rà soát các văn bản có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để sửa đổi phù hợp.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

NGUYỄN & BROTHERS LAW FIRM

Chúng tôi luôn nỗ lực để có thể trở thành công ty luật hàng đầu với các cam kết về chất lượng và cải tiến dịch vụ cho khách hàng. Cùng với đó, giá trị cốt lõi của chúng tôi là xây dựng một mối quan hệ lâu dài với khách hàng dựa trên sự cởi mở và trung thực, luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu.
zalo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây